73 năm thành lập và phát triển của Chi bộ Cố Gắng, thành phố Sầm Sơn (02/9/1947 - 02/9/2020)
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng đất Sầm Sơn thuộc Tổng Giặc Thượng (tên nôm), sau đổi tên là Kính Thượng, rồi Cung Thượng và được gọi là vùng đất “Tam xã, bát thôn” (3 xã, 8 thôn). Sau Cách mạng Tháng Tám, vùng đất Sầm Sơn được đặt tên là xã Lương Niệm, thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Từ tháng 6 năm 1946, khu vực Sầm Sơn được chia thành 02 xã (Sầm Sơn và Bắc Sơn).
Ngày 19 - 12 - 1946, thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với Nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị mọi mặt để đứng lên kháng chiến. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn cam go, ngày 20 - 02 - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa - vùng tự do, hậu phương rộng lớn của cuộc kháng chiến. Người đã giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, Nhân dân tỉnh ta xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu - căn cứ, hậu phương chiến lược của kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khu vực Sầm Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng; từ đây, bằng đường biển, thực dân Pháp có thể đổ bộ vào nội địa Thanh Hóa và cho tàu chiến bắn vào đất liền tàn phá hậu phương. Ý thức rõ vị thế chiến lược quan trọng đó, năm 1946 - 1947, chính quyền, Mặt trận hai xã khu vực Sầm Sơn đã chỉ đạo Nhân dân xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đập tan âm mưu đánh phá của địch. Song song với xây dựng thế trận phòng thủ, chính quyền, Mặt trận hai xã khu vực Sầm Sơn đã tích cực xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Mỗi xã thành lập một Trung đội du kích chiến đấu do đồng chí xã đội trưởng trực tiếp chỉ huy; mỗi thôn xây dựng một trung đội dân quân và tổ chức tập luyện quân sự, trang bị súng trường, lựu đạn, giáo mác sẵn sàng đập tan âm mưu tấn công của địch. Để có điều kiện nuôi quân, Nhân dân khu vực Sầm Sơn đã đóng góp tiền của lập “Quỹ mua sắm vũ khí”, đóng góp lương thực, thuốc men ủng hộ lực lượng vũ trang địa phương. Chỉ trong thời gian ngắn, Nhân dân đã đóng góp được 6.000đ để mua sắm súng đạn và nhiều dao, kiếm, tổ chức rèn kiếm, mác, mũi chông cung cấp cho dân quân, du kích.
Cùng với xây dựng lực lượng, chính quyền 2 xã khu vực Sầm Sơn đã xây dựng các phương án chiến đấu phòng thủ, tản cư, sơ tán bảo vệ tính mạng, tài sản cho Nhân dân; tổ chức các trạm gác ở các khu vực xung yếu; tổ chức tuần tra, canh gác dọc bờ biển để phòng địch bất ngờ đổ bộ.
Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành khu lưu niệm
Giữa năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quảng Xương, 2 xã khu vực Sầm Sơn sáp nhập thành xã Quảng Tiến và thành lập Ủy ban Kháng chiến xã Quảng Tiến bên cạnh Ủy ban Hành chính xã. Vào thời điểm này, sự nghiệp cách mạng trên địa bàn xã Quảng Tiến phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải xây dựng một chi bộ Đảng lãnh đạo trực tiếp công cuộc kháng chiến kiến quốc ở địa phương.
Đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và nguyện vọng của Nhân dân xã Quảng Tiến, Huyện ủy Quảng Xương đã cử đồng chí Vũ Thanh Long - Huyện ủy viên về Sầm Sơn chuẩn bị điều kiện và tổ chức, tiến tới thành lập Chi bộ Cộng sản xã Quảng Tiến. Thông qua phong trào cách mạng, đồng chí Vũ Thanh Long đã tìm hiểu, lựa chọn, bồi dưỡng một số quần chúng ưu tú đưa vào danh sách kết nạp Đảng. Ngày 02 - 9 - 1947, đồng chí Vũ Thanh Long thay mặt Huyện ủy Quảng Xương tổ chức Hội nghị thành lập Chi bộ Cộng sản xã Quảng Tiến - tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn. Hội nghị diễn ra tại nhà đồng chí Vũ Thanh Long, thôn Cá Lập, nay là Khu lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn (khu phố Trung Chính, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn). Tham dự Hội nghị, có các đồng chí: Trần Huệ Như - Huyện ủy viên; Hà Viết Phiên - đảng viên dự bị của Chi bộ Bắc Giang (xã Quảng Châu) được Huyện ủy điều động về xã Quảng Tiến và 4 quần chúng ưu tú chuẩn bị kết nạp Đảng (gồm: Nguyễn Văn Cương, Nguyễn Văn Ống, Trần Quang Bảo, Vũ Đức Linh). Dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Thanh Long, Hội nghị đã tiến hành kết nạp 4 quần chúng ưu tú nói trên vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tuyên bố thành lập Chi bộ Cộng sản xã Quảng Tiến gồm 6 đảng viên, do đồng chí Trần Huệ Như làm Bí thư Chi bộ và lấy tên là Chi bộ Cố Gắng. Hội nghị đã thảo luận, quyết nghị những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, đó là: khẩn trương củng cố, phát triển hệ thống chính trị, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, kết nạp Đảng, kết nạp quần chúng vào các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tiết kiệm, cải thiện đời sống Nhân dân, đóng góp cho kháng chiến; xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang Nhân dân, sẵn sàng ứng phó tình huống giặc Pháp đổ bộ từ biển vào đất liền; xây dựng kế hoạch giám sát, theo dõi, quản thúc các phần tử phản động, kịp thời xử lý những tên có biểu hiện chống đối.
Khu lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ TP Sầm Sơn.
Chi bộ Cố Gắng ra đời là sự kiện chính trị trọng đại của Nhân dân khu vực Sầm Sơn. Từ đây, Nhân dân khu vực Sầm Sơn có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, đẩy lùi khó khăn, thách thức, lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chi bộ đã lãnh đạo lực lượng du kích địa phương đánh thắng nhiều trận càn quét, đốt phá, cướp bóc của thực dân Pháp, góp phần bảo vệ vững chắc hậu phương Thanh Hóa. Tiêu biểu như trận đánh ngày 27 - 9 - 1950, đã đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin đang neo đậu trên vùng biển Sầm Sơn, tiêu diệt 200 sỹ quan và binh lính Pháp. Cùng với chiến đấu bảo vệ hậu phương, chi bộ Đảng đã tích cực chỉ đạo Nhân dân thực hiện chính sách thuế nông nghiệp. Mặc dù điều kiện sản xuất lúc này vô cùng khó khăn, địch luôn đánh phá. Từ năm 1951 - 1954, Nhân dân khu vực Sầm Sơn đã đóng góp cho Nhà nước hàng trăm tấn thóc thuế, ủng hộ hàng trăm tấn thóc cho lực lượng vũ trang địa phương, cung cấp cho các chiến trường hàng trăm tấn cá khô, nước mắm.
Trong 9 năm cùng cả nước trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân Sầm Sơn đã đóng góp 2.731.207 đồng, 127 kg vàng, 193.248kg gạo, hàng trăm con bò, hàng ngàn tấn cá… phục vụ cho kháng chiến; tiễn đưa 2.937 thanh niên nhập ngũ, có 4.792 chiến sỹ dân quân du kích trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương; 4.976 lượt người tham gia dân công tiếp vận. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sầm Sơn đã huy động 297 xe đạp thồ phục vụ bộ đội ăn no, đánh thắng. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; 107 người con ưu tú của vùng đất Sầm Sơn đã dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và hơn 100 chiến sỹ đã để lại một phần máu thịt cho thắng lợi toàn vẹn của dân tộc. Sầm Sơn đã được tặng thưởng 1.612 Huân, Huy chương Kháng chiến và được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Ngày 01 tháng 6 năm 1954, xã Quảng Tiến chia thành 04 xã, chi bộ Cố Gắng chia thành 04 chi bộ lãnh đạo công cuộc cách mạng ở mỗi xã. Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, các chi bộ xã lãnh đạo Nhân dân khu vực Sầm Sơn tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng, bảo vệ CNXH và chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 10 năm 1954, tổ chức Đảng và Nhân dân khu vực Sầm Sơn tích cực thực hiện nhiệm vụ công tác trao trả tù binh Pháp, đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong 7 đợt (từ 15 - 10 - 1954 đến 01 - 5 - 1955), đã đón tiếp và chăm sóc ân cần 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh, 1.443 gia đình cán bộ. Năm 1962 - 1963, chi bộ các xã lần lượt phát triển thành Đảng bộ xã. Ngày 19 - 4 - 1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 50/1963/QĐ-CP thành lập thị trấn Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện Quyết định của Chính phủ, Ủy ban Hành chính tỉnh đã quyết định thành lập thị trấn Sầm Sơn bao gồm khu nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn. Cùng với việc thành lập thị trấn Sầm Sơn, Đảng bộ thị trấn Sầm Sơn được thành lập. Đảng bộ thị trấn ra đời, cùng với đảng bộ các xã Quảng Tiến (mới), Quảng Tường, Quảng Cư lãnh đạo Nhân dân kịp thời chuyển hướng phát triển kinh tế, văn hóa, tổ chức chiến tranh Nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo thăm quan khu nhà truyền thống tại khu lưu niệm.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, Nhân dân khu vực Sầm Sơn bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hàng trăm thanh niên nam, nữ gác bút nghiên, lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, xung phong ra chiến trường, chiến đấu anh dũng và lập công xuất sắc. Năm 1973, sau khi hiệp định Pari được kí kết, một lần nữa Sầm Sơn lại có vinh dự được đón hàng ngàn chiến sĩ cách mạng từ trong các nhà tù của Mỹ ngụy được trao trả trở về. Những người dân Sầm Sơn ở lại vừa sản xuất, bám biển, vừa chiến đấu kiên cường. Nhân dân Sầm Sơn đã vận động 5.123 người con tham gia bộ đội; 825 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong; 1.218 dân công hỏa tuyến chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường; 7.700 dân quân tự vệ vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương (trong đó, có 487 người con ưu tú của Sầm Sơn đã ra đi vĩnh viễn không trở về, 257 người con đã để lại một phần máu thịt trên khắp các chiến trường); đồng bào Sầm Sơn đã đóng góp 58.000 ngày công xây dựng các công trình quân sự, 560 lượt thuyền và 720 xe đạp thồ vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa vào tuyến lửa. Đóng góp hàng vạn cây phi lao, tre, gỗ làm hầm, lát đường cho xe pháo vào trận địa; đóng góp cho Nhà nước 16.220 tấn lương thực, 12.915 tấn cá, 7.350 tấn thịt để phục vụ chiến đấu.
Kết thúc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân khu vực Sầm Sơn đã chiến đấu gần 500 trận lớn nhỏ, kết hợp với bộ đội pháo cao xạ và bộ đội mặt đất bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy nhiều tàu chiến của giặc Mỹ; tích cực tổ chức lực lượng chống chiến tranh tâm lý, chống gián điệp, biệt kích tung vào hậu phương móc nối với bọn phản động phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương. Cùng với chiến đấu bảo vệ quê hương, Đảng bộ thị trấn Sầm Sơn và các xã trong khu vực đã tích cực tổ chức chỉ đạo Nhân dân chuyển hướng phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường tiềm lực chi viện cho các chiến trường A, B, C, K theo phương châm: “Vừa sản xuất vừa chiến đấu - giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất”. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ và Nhân dân Sầm Sơn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, Nhân dân thị xã Sầm Sơn và Đảng bộ, Nhân dân các xã: Quảng Tường (nay là phường Trung Sơn), Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Vinh, Quảng Thọ; Quảng Đại.
Giai đoạn 1975 - 1985, Đảng bộ thị trấn - thị xã Sầm Sơn[1] đã lãnh đạo Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; đặc biệt là quan tâm lãnh đạo phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Sầm Sơn (tháng 7 - 1960).
BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trao tặng Đảng bộ TP Sầm Sơn bức trướng cùng dòng chữ gửi gắm kỳ vọng lớn.
Sau gần 35 năm (1986 - 2020), thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân trên địa bàn thực hiện chính sách mở cửa, kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Lĩnh vực du lịch, nghỉ mát có bước phát triển nhanh chóng. Nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ… Trong quản lý, điều hành, hằng năm, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện tốt các phương án quản lý dịch vụ, du lịch trên địa bàn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, làm mất hình ảnh du lịch Sầm Sơn; xây dựng và tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch Sầm Sơn; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn nhằm tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đô thị du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, theo hướng xây dựng đô thị du lịch thông minh.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm thành phố thu hút hơn 4 triệu lượt du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng; tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 17,4%. Năm 2017, Sầm Sơn là thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, gồm có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 08 phường: Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh và 3 xã: Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Minh. Diện tích tự nhiên 44,94km2, dân số 108 nghìn người. Đến cuối tháng 4 năm 2020, thành phố Sầm Sơn có 80/86 thôn, khu phố và 63/87 cơ quan, trường học được công nhận đơn vị văn hóa; 85% gia đình được công nhận văn hóa.
Trải qua 73 năm (1947 - 2020) xây dựng và phát triển, từ một chi bộ với 6 đảng viên đầu tiên; đến tháng 6 năm 2020, Đảng bộ thành phố Sầm Sơn có 5.397 đảng viên với 40 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (trong đó, có 23 Đảng bộ và 17 chi bộ cơ sở). Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ thành phố Sầm Sơn đã trải qua 17 kỳ Đại hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đã đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, nỗ lực vượt qua gian khổ, ác liệt, khó khăn, thử thách đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; phát triển khu vực Sầm Sơn ngày càng lớn mạnh, trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện của bạn bè và du khách bốn phương.
Với tiềm năng, lợi thế của thành phố biển, truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất của một đơn vị anh hùng, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, là điều kiện, tiền đề vững chắc để Đảng bộ thành phố Sầm Sơn lãnh đạo Nhân dân trên địa bàn tiếp tục xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp, là đô thị du lịch mang tầm quốc tế, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu. Để hiện thực hóa, Đảng bộ Sầm Sơn tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; khơi dậy ý chí, khát vọng thịnh vượng, phát huy sức mạnh của Nhân dân; huy động mọi nguồn lực xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện với phương châm: Đoàn kết - Kỷ cương - Năng động - Phát triển.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy Sầm Sơn
[1]. Thành lập ngày 18 - 12 - 1981 theo Quyết định số 157/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập thị xã Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thị xã Sầm Sơn gồm: Thị trấn Sầm Sơn, các xã Quảng Tường, Quảng Cư, Quảng Tiến và xóm Vinh Sơn (xã Quảng Vinh) thuộc huyện Quảng Xương.
- Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn tháng 10: Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và một số nội dung quan trọng khác.
- Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và khánh thành khu lưu niệm
- TP Sầm Sơn: Tổng kết và trao giải cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Đảng bộ phường Quảng Châu: Tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (12/06/1954-12/06/2024)
- TP Sầm Sơn: Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024
- Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 - 2029
- Thành phố Sầm Sơn: Lễ giao nhận quân trang trọng, nhanh gọn, an toàn, đúng quy định
- Các đồng chí lãnh đạo thành phố Sầm Sơn thăm, chúc tết các địa phương, đơn vị.
- Đoàn công tác thành phố Sầm Sơn đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo của huyện Quan Sơn và xã Trung Lý, huyện Mường Lát.
- Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thành phố Sầm Sơn thẩm tra các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố trình kỳ họp thứ mười, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026