"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công"     "Đoàn kết, dân chủ; năng động, sáng tạo; tận tụy, trách nhiệm; chất lượng, hiệu quả"; "đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp"
     

Những chuyển biến sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác Dân vận trong tình hình mới ở thành phố Sầm Sơn

Đăng lúc: 16:11:48 03/06/2020 (GMT+7)

Sầm Sơn là thành phố du lịch biển nổi tiếng của cả nước, cách thành phố Thanh Hóa 16km về phía Đông; diện tích tự nhiên 45km2, dân số 108.600 người. Thành phố có 11 đơn vị hành chính, gồm 8 phường, 3 xã. Đảng bộ thành phố hiện có 40 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với 5.381 đảng viên.

 

      376fb5353dd7de4d98fcd89dba3dd23dDvan (Copy).jpg

Ban dân vận thành phố luôn duy trì tốt công tác phối hợp, giao ban với các ngành, tập trung làm tốt công tác dân vận chính quyền

          Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Sầm Sơn đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm luôn đạt trên 17%. Ngành du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng. Kinh tế du lịch giữ vững vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2019 đón trên 4,9 triệu lượt khách, góp phần xây dựng và phát triển Sầm Sơn thành một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của cả nước. Thủy sản, nông, lâm nghiệp duy trì sự phát triển. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng, sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân và khách du lịch. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án lớn được triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhất là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao FLC hiện đại, sang trọng, văn minh; khu đô thị HUD4; nâng cấp, mở rộng đường Hồ Xuân Hương và không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 47, đại lộ Nam sông Mã, đường từ ngã ba Voi đi Sầm Sơn, đường Duyên hải… làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị du lịch và thúc đầy kinh tế - xã hội phát triển. Đạt được những thành tựu nổi bật nêu trên, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, có sự nỗ lực phấn đấu rất cao của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.

          Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố Sầm Sơn đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố.

           Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu về công tác dân vận được nâng lên rõ rệt, qua đó tăng cường và đổi mới công tác dân vận, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, giữa cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức với người dân. Nội dung, phương thức công tác dân vận của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có sự đổi mới; thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhiều chủ trương, chính sách hợp lòng dân, sát cơ sở đã được triển khai thực hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, khó khăn, vướng mắc, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân, gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố.

b6036f4a2217888d118a61c5-4e4c-4314-8aa3-bd8814640d22.jpg

Công an TP. Sầm Sơn là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện việc trả thẻ căn cước công dân tại nhà cho nhân dân. Việc làm này được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ảnh: CAND

          Công tác dân vận của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch, chương trình, phương án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa, tạo động lực, cổ vũ, động viên đông đảo nhân dân hưởng ứng. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chủ động xây dựng kế hoạch, hằng năm đăng ký với cấp ủy nội dung thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI)Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể được quan tâm xây dựng và củng cố; các cấp uỷ đã bố trí, giới thiệu những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

          Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận vẫn còn những hạn chế, cần khắc phục, đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về công tác dân vận ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức. Hệ thống dân vận có việc chưa nắm bắt đầy đủ diễn biến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp xử lý phù hợp. Một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về chủ trương của cấp ủy, chính quyền, đồng thời bị các đối tượng cực đoan lợi dụng kích động, gây ra một số vụ việc phức tạp về an ninh trật tự…

          Thời gian tới, bên cạnh thời cơ, vận hội mới và đà phát triển đi lên của tỉnh, cùng với những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, con người, truyền thống văn hóa, bề dày lịch sử và những kết quả đạt được trong thời gian qua, thành phố Sầm Sơn có nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Sầm Sơn là đô thị đang phát triển, có nhiều dự án lớn đang được triển khai thực hiện, do đó, sẽ nảy sinh thêm các mâu thuẫn trong xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư… đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác dân vận.

          Để thực hiện được mục tiêu phấn đấu đưa Sầm Sơn sớm trở thành đô thị du lịch thông minh, giàu đẹp, hấp dẫn, thân thiện; thời gian tới, thành phố Sầm Sơn sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

          Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác dân vận, hướng mạnh về cơ sở, quan tâm những vấn đề thiết thực trong đời sống nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của thành phố về phát triển du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử, giải phóng mặt bằng, tái định cư…

          Hai là, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; thực hiện tốt Kết luận số 114 - KL/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, Công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm Dân vận khéo 2020", thực hiện phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

          Ba là, tăng cường công tác dân vận của cả hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác dân vận ở từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về công tác dân vận; đổi mới hình thức tổ chức, phối hợp, liên kết, bảo đảm sát với yêu cầu thực tế, tránh chồng chéo, hình thức, kém hiệu quả.

          Bốn là, thường xuyên kiện toàn tổ chức, bộ máy; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể các cấp; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ; chú trọng đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp.

          Năm là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận, tập trung vào kết quả triển khai thực hiện công tác dân vận, nhất là việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Thực hiện tốt việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các “điểm nóng”, vụ việc phức tạp, kéo dài./.

 

Lê Ngọc Khanh - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Sầm Sơn  

 

Số lượt truy cập
1 người đang online