"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công"     "Đoàn kết, dân chủ; năng động, sáng tạo; tận tụy, trách nhiệm; chất lượng, hiệu quả"; "đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp"
     

Gợi ý trả lời câu hỏi trắc nghiệm Cuộc thi “Tìm hiểu về đất và người Sầm Sơn”

Đăng lúc: 08:22:47 16/03/2022 (GMT+7)

Gợi ý trả lời câu hỏi trắc nghiệm Cuộc thi “Tìm hiểu về đất và người Sầm Sơn”

b37ba2aeb05d52ddz3249323182084_2bccd16ca42fae4a8c32e1f27fda999b.jpg



GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM CUỘC THI "TÌM HIỂU VỀ ĐẤT VÀ NGƯỜI SẦM SƠN"


Câu 1: Thời điểm khởi đầu hình thành và phát triển du lịch Sầm Sơn?

a. Năm 1906.

b. Năm 1907.

c. Năm 1908.

d. Năm 1909.

Gợi ý trả lời: Đầu thế kỷ XX, một ngành kinh tế mới đã hình thành trên đất Sầm Sơn. Đó là ngành Du lịch - nghỉ mát, khu vực núi Trường Lệ và bãi biển được người Pháp xây dựng thành khu du lịch nghỉ mát, thu hút du khách. Năm 2007, Sầm Sơn long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm du lịch Sầm Sơn. Dự kiến giữa tháng 4 năm 2022, Sầm Sơn tổ chức kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn gắn với Lễ hội Du lịch năm 2022 với rất nhiều hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc.

Câu 2: Tên đơn vị hành chính của vùng đất Sầm Sơn giai đoạn 1945 - tháng 6/1946?

a. Xã Lương Niệm, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

b. Xã Sầm Sơn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

c. Xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

d. Xã Bắc Sơn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Gợi ý trả lời: Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất Sầm Sơn thuộc tổng Giặc Thượng (tên nôm), sau đổi tên là Kính Thượng rồi Cung Thượng và được gọi là vùng đất “Tam xã, bát thôn” (ba xã, tám thôn).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xóa đơn vị cũ, vùng đất Sầm Sơn được đặt tên là xã Lương Niệm, thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Từ tháng 6/1946 đến tháng 11/1947, Sầm Sơn được chia thành 02 xã: Xã Sầm Sơn và xã Bắc Sơn. Xã Sầm Sơn gồm làng Núi (Sầm Thôn) và làng Giữa (Lương Trung). Xã Bắc Sơn gồm làng Trấp (Cá Lập) và làng Hới (Hải Thôn), làng Trung (Lộc Trung), làng Triều (Triều Dương), làng Vạm (Thanh Khê), làng Bến (Bình Tân).

Câu 3: Thị trấn Sầm Sơn với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Thanh Hóa được thành lập ngày/tháng/năm nào? Bao gồm các khu vực và đơn vị nào?

a. Ngày 18/12/1981 theo Quyết định số 157/HĐBT; bao gồm khu vực nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn thuộc huyện Quảng Xương.

b. Ngày 19/4/1963 theo Quyết định số 50-CP của Hội đồng Chính phủ; bao gồm khu vực nghỉ mát Sầm Sơn và các xã: Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Tường, Quảng Sơn thuộc huyện Quảng Xương.

c. Ngày 19/4/1963 theo Quyết định số 50-CP của Hội đồng Chính phủ; bao gồm khu vực nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn thuộc huyện Quảng Xương.

d. Ngày 18/12/1981 theo Quyết định số 157/HĐBT, bao gồm khu vực nghỉ mát Sầm Sơn và các xã: Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Tường, Quảng Sơn thuộc huyện Quảng Xương.

Gợi ý trả lời: Ngày 19/4/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 50-CP thành lập thị trấn Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Thị trấn Sầm Sơn bao gồm khu nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn (gồm 3 tiểu khu: Ngọc Sơn, Tân Thành và Lập Công).

Ngày 18/12/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 157-HĐBT thành lập thị xã Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Câu 4: Thành phố Sầm Sơn được thành lập ngày/tháng/năm nào? Diện tích và dân số thành phố (theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019)?

 a. Ngày 19/4/2017, theo Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV; diện tích 44,94km; dân số109,208 người.

b. Ngày 15/5/2015, theo  Nghị quyết số 935/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII; diện tích 44,94km;  dân số 109,208 người.

c. Ngày 08/12/2016 theo Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa; diện tích 44,94km; dân số 109,208 người.

d. Ngày 02/12/2020 theo Nghị quyết số 1108/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV; diện tích 44,94km; dân số 109,208 người.

Gợi ý trả lời: Ngày 15/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 935/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Xương và thị xã Sầm Sơn để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn; điều chỉnh địa giới hành chính 03 xã và 01 thị trấn thuộc huyện Đông Sơn để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 19/4/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Thành phố Sầm Sơn có diện tích 44,94km2; theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Sầm Sơn là 109,208 người.

Câu 5: Thành phố Sầm Sơn có bao nhiêu di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt?

a. 01 di tích quốc gia đặc biệt và 07 di tích cấp quốc gia.

b. 01 di tích quốc gia đặc biệt và 08 di tích cấp quốc gia.

c. 01 di tích quốc gia đặc biệt và 09 di tích cấp quốc gia.

d. 01 di tích quốc gia đặc biệt và 10 di tích cấp quốc gia.

Gợi ý trả lời: Theo thống kê, trên địa bàn Sầm Sơn có 50 di tích, danh thắng; là một trong số ít các địa phương có tỉ lệ mật độ di tích, danh thắng cao trong cả nước, trong đó có Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn là di tích quốc gia đặc biệt. Các di tích quốc gia gồm: Di tích danh thắng hòn Trống Mái (xếp hạng năm 1992); Di tích lịch sử văn hóa đền Độc Cước (xếp hạng năm 1992); Di tích lịch sử văn hóa đền Cô Tiên (xếp hạng năm 1992); Di tích lịch sử văn hóa đền Tô Hiến Thành (xếp hạng năm 1992); Di tích lịch sử văn hóa đền Đề Lĩnh (xếp hạng năm 1993); Di tích lịch sử văn hóa Bia chùa Kênh (xếp hạng năm 1996); Di tích lịch sử văn hóa đền An Dương Vương (xếp hạng năm 1996); Di tích lịch sử văn hóa đền Cá Lập (xếp hạng năm 1999).

Câu 6: Chi bộ đảng đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn thành lập vào ngày/tháng/năm nào? Tại đâu?

a. Ngày 03/9/1947, tại nhà đồng chí Vũ Thanh Long, thôn Cá Lập, xã Quảng Tiến (nay thuộc khu phố Trung Chính, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn).

b. Ngày 02/9/1947, tại nhà ông Vũ Đức Sinh (thân sinh đồng chí Vũ Thanh Long và Vũ Đức Linh), thôn Cá Lập, xã Quảng Tiến (nay thuộc khu phố Trung Chính, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn).

c. Ngày 01/11/1948, tại nhà đồng chí Vũ Đức Linh, thôn Cá Lập, xã Quảng Tiến (nay thuộc khu phố Trung Chính, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn).

d. Ngày 01/6/1954, tại nhà đồng chí Vũ Đức Linh, thôn Cá Lập, xã Quảng Tiến (nay thuộc khu phố Trung Chính, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn).

Gợi ý trả lời: Năm 1947, sự nghiệp cách mạng trên địa bàn xã Quảng Tiến (tháng 11/1947, sáp nhập 02 xã Sầm Sơn và Bắc Sơn thành lập xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương) phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải xây dựng một chi bộ Đảng lãnh đạo trực tiếp công cuộc kháng chiến kiến quốc ở địa phương. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã Quảng Tiến, Huyện ủy Quảng Xương đã cử đồng chí Vũ Thanh Long, Huyện ủy viên về địa phương chuẩn bị điều kiện tư tưởng và tổ chức tiến tới thành lập chi bộ xã Quảng Tiến.

Ngày 02/9/1947, đồng chí Vũ Thanh Long thay mặt Huyện ủy Quảng Xương tổ chức Hội nghị thành lập Chi bộ Cộng sản xã Quảng Tiến, lấy tên là chi bộ Cố Gắng- tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn. Hội nghị diễn ra tại nhà ông Vũ Đức Sinh (thân sinh đồng chí Vũ Thanh Long và Vũ Đức Linh), thôn Cá Lập, xã Quảng Tiến (nay thuộc khu phố Trung Chính, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn).

Câu 7: Tính đến ngày 03/02/2022, Đảng bộ thành phố có bao nhiêu đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Thành ủy?

a. 5.402 đảng viên và 40 tổ chức cơ sở đảng.

b. 5.492 đảng viên và 39 tổ chức cơ sở đảng.

c. 5.492 đảng viên và 40 tổ chức cơ sở đảng.

d. 5.442 đảng viên và 39 tổ chức cơ sở đảng.

Gợi ý trả lời: Khi mới thành lập, Chi bộ Cố Gắng gồm 6 đảng viên, do đồng chí Trần Huệ Như làm Bí thư. Tính đến ngày 03/02/2022, Đảng bộ thành phố có 5.492 đảng viên; 40 tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy.

Câu 8: Mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030 theo Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là gì?

a. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.

b. Phấn đấu đến năm 2030, Sầm Sơn là đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước.

c. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch hiện đại, hấp dẫn, thân thiện.

d. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Sầm Sơn trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện.

Gợi ý trả lời: Ngày 26/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển Sầm Sơn đến năm 2030 với nhiều chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Về mục tiêu đến năm 2030, Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế; đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản phục vụ du lịch; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và văn minh đô thị; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; quốc phòng - an ninh được giữ vững; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện.

Câu 9: Thành phố Sầm Sơn có bao nhiêu đơn vị, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và bao nhiêu Mẹ Việt Nam anh hùng?

a. 10 đơn vị và 2 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang; 3 Anh hùng lao động và 91 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

b. 9 đơn vị và 3 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang; 2 Anh hùng lao động và 91 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

c. 9 đơn vị và 3 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang; 3 Anh hùng lao động và 91 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

d. 9 đơn vị và 3 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang; 02 Anh hùng lao động và 92 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Gợi ý trả lời: Sầm Sơn có 9 đơn vị và 3 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang; 2 Anh hùng lao động và 91 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

- Đơn vị Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn)

- Đơn vị Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Quảng Tường (nay là phường Trung Sơn); Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến); Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Quảng Đại; Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Quảng Châu (nay là phường Quảng Châu); Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Quảng Thọ (nay là phường Quảng Thọ); Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Quảng Vinh (nay là phường Quảng Vinh).

- Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới: Công an thị xã Sầm Sơn (nay là Công an thành phố Sầm Sơn); Đồn Biên phòng 122 (Sầm Sơn) Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa.

- Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân: Liệt sĩ, Anh hùng Nguyễn Hồng Lễ (sinh năm 1942, hy sinh năm 1968; quê quán: Xã Quảng Tường, nay là phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn); Liệt sĩ, Anh hùng Lê Hồng Thịnh (sinh năm 1937, hy sinh năm 1967, quê quán: Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, nay là phường Quảng Thọ, thành phố Sầm Sơn); Trung tá, Anh hùng Đỗ Văn Sạn (sinh năm 1936, mất năm 2016; quê quán: Xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, hộ khẩu thường trú tại phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn).

- Anh hùng Lao động: Anh hùng Vũ Hồng (Hùng) Út (sinh năm 1942; quê quán: Xã Quảng Cư, nay là phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn); Anh hùng Nguyễn Công Thiệp (sinh năm 1904, mất năm 1990; quê quán: Xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương, nay là xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn).

Câu 10: Bác Hồ về thăm Sầm Sơn vào ngày/tháng/năm nào? Bác đã căn dặn cán bộ, Nhân dân Sầm Sơn điều gì?

a. Từ ngày 17-19/7/1960. Bác đã căn dặn: “…. Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình phát triển du lịch mà thu lấy tiền”.

b. Từ ngày 17-18/7/1960. Bác đã căn dặn: “…. Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình phát triển du lịch mà thu lấy tiền”.

c. Từ ngày 10-12/12/1961. Bác đã căn dặn: “…. Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình phát triển du lịch mà thu lấy tiền”.

d. Từ ngày 11-12/12/1961. Bác đã căn dặn: “…. Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình phát triển du lịch mà thu lấy tiền”.

Gợi ý: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa những tình cảm đặc biệt và đã bốn lần về thăm Thanh Hóa. Trong lần thứ 3 về thăm Thanh Hóa, từ ngày 17 đến 19/7/1960, Bác Hồ đã về thăm Sầm Sơn. Tại đây, Bác kéo lưới với ngư dân xóm Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay thuộc khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn); Bác thăm quan núi Trường Lệ; thăm Nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn; thăm Trại nuôi dưỡng thương binh; Trại an dưỡng của các cụ miền Nam; thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57. Sau đó, Bác rời Sầm Sơn đi thị xã Thanh Hóa, thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI.

Nói chuyện với cán bộ, nhân dân Sầm Sơn, Bác đã căn dặn: “…. Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình phát triển du lịch mà thu lấy tiền”.

Câu 11: Ngày 19/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống; tiếp thu tinh hoa văn hóa các vùng miền, tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè và du khách”. Nghị quyết đề ra mấy định hướng xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè, du khách?

a. 5.

b. 6.

c. 7.

d. 8.

Gợi ý trả lời: Ngày 19/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống; tiếp thu tinh hoa văn hóa các vùng miền, tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè và du khách”. Nghị quyết đã đề ra các định hướng xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè, du khách:

- Người Sầm Sơn, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

- Người Sầm Sơn, tự hào và hành động vì du lịch Sầm Sơn thông minh, hấp dẫn, thân thiện.

- Người Sầm Sơn, lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp, kinh doanh văn minh.

- Người Sầm Sơn, nói không với hủ tục, bạo lực và tệ nạn xã hội.

- Người Sầm Sơn, hành động vì đô thị du lịch văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.

- Người Sầm Sơn, không lấn chiếm hành lang, lòng đường, vỉa hè và xây dựng trái phép.

- Học sinh Sầm Sơn, chăm ngoan, học giỏi, tự hào và có khát vọng xây dựng thành phố thịnh vượng.

Câu 12: Năm 2017, thành phố Sầm Sơn vinh dự được nhận giải thưởng gì tại Lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức?

a. Khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam.

b. Sân gôn hàng đầu Việt Nam.

c. Điểm thăm quan du lịch hàng đầu Việt Nam.

d. 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu cả nước.

Gợi ý trả lời: Nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày thành lập Ngành du lịch Việt Nam, sáng ngày 8/7/2017, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017.  Tại buổi lễ, có 89 doanh nghiệp được vinh danh giải thưởng du lịch Việt Nam năm 2017. Trong đó, thành phố Sầm Sơn được vinh danh là một trong năm khu du lịch hàng đầu cả nước. 

Câu 13: Năm 2021, thành phố Sầm Sơn được vinh danh là thành phố thông minh ở hạng mục nào?

a. Dịch vụ công thông minh.

b. Điều hành và quản lý thông minh.

c. Du lịch thông minh.

d. Môi trường thông minh.

Gợi ý trả lời: Sáng 18/12/2021, tại Hà Nội, lễ vinh danh và trao giải thưởng thành phố thông minh Smart City Award 2021 đã trao các giải thưởng cho các đô thị và giải pháp công nghệ số phục vụ xây dựng thành phố thông minh. Thành phố Sầm Sơn vinh dự được trao giải thưởng “Thành phố điều hành quản lý thông minh”.

Câu 14: Bài hát “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ” do ai sáng tác?

a. Thế Việt.

b. Lê Đăng Khoa - Nguyễn Hoài Nam.

c. Đoàn Ứng.

d. Đoàn Dũng - Lê Đăng Sơn.

Gợi ý trả lời: Năm 2004, Nhạc sĩ Lê Đăng Khoa và Nguyễn Hoài Nam đã sáng tác bài hát “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ”.

Câu 15: Chiếc bè mảng Sầm Sơn được làm lễ hạ thủy vượt Thái Bình Dương vào ngày/tháng/năm nào? Tại đâu? Ai là người Sầm Sơn cùng tham gia hành trình này?

a. Ngày 13/6/1993, tại bãi biển dưới chân đền Độc Cước; ông Lương Viết Lợi, người phường Trường Sơn đã tham gia hành trình này.

b. Ngày 15/3/1993, tại bãi biển dưới chân đền Độc Cước; ông Lương Viết Lợi, người phường Trường Sơn đã tham gia hành trình này.

c. Ngày 16/3/1993, tại tại bãi biển dưới chân đền Độc Cước; ông Lương Viết Lợi, người phường Trường Sơn đã tham gia hành trình này.

d. Ngày 26/3/1993, tại tại bãi biển dưới chân đền Độc Cước; ông Lương Viết Lợi, người phường Trường Sơn đã tham gia hành trình này.

Gợi ý trả lời: Được sự đồng ý, hỗ trợ của Bộ Văn hóa - Thông tin, đầu năm 1993, Tim Severin - nhà khảo cổ, nhà thám hiểm người Anh đã trở lại Sầm Sơn cùng với nhóm thám hiểm của mình để tìm hiểu thêm và thực hiện ý tưởng dùng bè tre vượt Thái Bình Dương. Sau một thời gian thực hiện, chiếc bè đã hoàn thành và được làm lễ hạ thủy ngay dưới chân đền Độc Cước vào ngày 16/3/1993; ông Lương Viết Lợi, người phường Trường Sơn đã tham gia hành trình này.

Câu 16: Để xây dựng Sầm Sơn đến năm 2025 trở thành đô thị du lịch thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra bao nhiêu chương trình trọng tâm, khâu đột phá ?

a. 4 chương trình trọng tâm, 4 khâu đột phá.

b. 4 chương trình trọng tâm, 2 khâu đột phá.

c. 2 chương trình trọng tâm, 4 khâu đột phá.

d. 3 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá.

Gợi ý trả lời: Trong 03 ngày (21-23/7/2020), Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tại phiên Bế mạc, Đại hội đã quyết nghị mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó tập trung thực hiện 03 chương trình trọng tâm và 03 khâu đột phá, gồm:

- Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện.

- Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh.

- Chương trình phát triển thủy sản.

- Đột phá về công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn.

- Đột phá về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

- Đột phá về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ thành phố đến cơ sở có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Câu 17: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chi bộ đảng và lực lượng vũ trang Sầm Sơn đã kết hợp với Ty Điệp báo Trung ương, Ty Công an Thanh Hóa đánh đắm thông báo hạm A-miô- đanh-vin của Pháp trên vùng biển Sầm Sơn. Trận đánh này diễn ra ngày, tháng, năm nào? Điệp báo viên trực tiếp dùng thuốc nổ đánh đắm thông báo hạm đã dũng cảm hy sinh là ai?

a. 26/9/1950. Điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi, người đóng vai phu nhân Quốc vụ khanh đã dũng cảm hy sinh.

b. 27/9/1950. Điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi, người đóng vai phu nhân Quốc vụ khanh đã dũng cảm hy sinh.

c. 26/9/1951. Điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi, người đóng vai phu nhân Quốc vụ khanh đã dũng cảm hy sinh.

b. 27/9/1951. Điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi, người đóng vai phu nhân Quốc vụ khanh đã dũng cảm hy sinh.

Gợi ý trả lời: Ngày 27/9/1950, Thông báo hạm A-miô- đanh-vin của Pháp cặp biển Sầm Sơn, điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi đóng vai phu nhân Quốc vụ khanh, mang theo va ly tài liệu lên tàu về Hà Nội báo cáo (trong va ly đựng toàn thuốc nổ). Một tiếng nổ long trời trên biển, thông báo hạm đã bị nổ tung, nhấn chìm hơn 200 sỹ quan, binh lính Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí quân trang quân dụng xuống biển. Điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi đã dũng cảm hy sinh cho trận đánh thắng lợi.

Câu 18. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại (7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Một trong những điều khoản trong hiệp định này là bộ đội và cán bộ miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào phải tập kết ra Bắc. Cảng Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) là nơi được Đảng, Bác Hồ chọn làm địa điểm đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Cuộc đón tiếp chính thức bắt đầu và kết thúc vào ngày/tháng/năm nào? Tổng số thương, bệnh binh; cán bộ; học sinh và gia đình cán bộ được đón tiếp và chăm sóc?

a. Từ ngày 10/10/1954 đến ngày 10/5/1955. Đã đón tiếp và chăm sóc ân cần 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ.

b. Từ ngày 13/10/1954 đến ngày 03/5/1955. Đã đón tiếp và chăm sóc ân cần 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ.

c. Từ ngày 18/10/1954 đến ngày 01/5/1955. Đã đón tiếp và chăm sóc ân cần 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ.

d. Từ ngày 15/10/1954 đến ngày 01/5/1955. Đã đón tiếp và chăm sóc ân cần 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ.

Gợi ý trả lời: Năm 1954, cán bộ, nhân dân Sầm Sơn tham gia đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ - ne - vơ quy định. Việc chuyên chở cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc do tàu Liên Xô và Ba Lan đảm nhận. Tàu vào bờ, Đảng bộ, nhân dân khu vực Sầm Sơn đã điều hàng chục thuyền đánh cá chở anh em bà con miền Nam ruột thịt. Trong 7 đợt (từ ngày 15/10/1954 đến 01/5/1955) đã đón tiếp và chăm sóc ân cần 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ.

Câu 19: Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Sầm Sơn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định nào?

a. Quyết định số 566,KT/CTN, ngày 08/11/2000.

b. Quyết định số 761,KT/CTN, ngày 29/01/1996.

c. Quyết định số 358,KT/CTN, ngày 08/4/2005.

d. Quyết định số 499,KT/CTN, ngày 30/8/1995.

Gợi ý trả lời: Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 2000, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 566,KT/CTN, ngày 08/11/2000 tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Sầm Sơn.

Câu 20: Di tích lịch sử nào của thành phố Sầm Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh?

a. Khu lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Cố Gắng - Tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn.

b. Khu lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm và kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn.

c. Khu lưu niệm nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

d. Tượng đài Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lợi.

Gợi ý trả lời: Ngày 25/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1045/QĐ-UBND xếp hạng Di tích lịch sử chi bộ Cố Gắng - tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn là Di tích cấp tỉnh./.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Số lượt truy cập
1 người đang online