"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công"     "Đoàn kết, dân chủ; năng động, sáng tạo; tận tụy, trách nhiệm; chất lượng, hiệu quả"; "đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp"
     

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn quyết tâm xây dựng thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện

Đăng lúc: 09:44:41 21/04/2020 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa đến nay tròn nửa thế kỷ, trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, được xác định là bảo vật Quốc gia, 50 năm thực hiện Di chúc của Người, soi rọi vào hành trình xây dựng đất nước, xây dựng quê hương Thanh Hóa, xây dựng Sầm Sơn, có thể khẳng định: Những lời nhắn nhủ lại của Người trước lúc đi xa vẫn còn nguyên vẹn giá trị, như ngọn đuốc soi đường cho dân tộc, cho Đảng, cho người dân tỉnh Thanh, trong đó có Sầm Sơn. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Người với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; mà còn là công trình lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền; là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và là phác thảo lý luận cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Thanh Hóa. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã về thăm Thanh Hóa 4 lần. Trong lần thứ 3 về thăm Thanh Hóa (từ ngày 17 - 19/7/1960), Bác đã đến thăm Sầm Sơn. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ, nhân dân Sầm Sơn. Trong những ngày lưu lại Sầm Sơn, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bác đã căn dặn: “...Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình để phát triển du lịch mà thu lấy tiền...”; “...phải xây dựng nhiều khách sạn, nhà nghỉ mà thu tiền đô la...”. Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cho chúng ta rất nhiều việc quan trọng, cần phải làm. Trong đó, Người đặc biệt lưu ý chúng ta phải quan tâm đến nhân dân lao động “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

z191.jpg

Ảnh tư liệu Bác Hồ tham gia kéo lưới với ngư dân làng chài Sầm Sơn, Thanh Hoá (17/7/1960)

 

Thực hiện lời dạy của Bác, nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương là phát triển kinh tế biển, trong đó du lịch biển là trọng điểm; trên cơ sở đề nghị của Sầm Sơn, năm 1963, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định thành lập thị trấn Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa; đến tháng 12 năm 1981, thành lập thị xã Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ngày 15/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết 935/2015/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới huyện Quảng Xương và thị xã Sầm Sơn để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, số đơn vị hành chính của Sầm Sơn được nâng lên thành 11 đơn vị xã, phường; diện tích tự nhiên gần 45km2 và  đến ngày 19/4/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân Sầm Sơn luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trên lĩnh vực dịch vụ du lịch, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Năm 1960, khi Bác Hồ về thăm, trên địa bàn Sầm Sơn hạ tầng cho ngành du lịch, nghỉ mát hầu như chưa có gì, chỉ có một số cơ sở lưu trú của các Bộ, ngành Trung ương, như: Nhà nghỉ Tổng Công Đoàn Việt Nam, Đoàn An điều dưỡng 296, Tổng cục Hậu cần  … Lượng khách đến Sầm Sơn thăm quan, tắm biển khi đó còn rất ít (vào khoảng 11.000 người), chủ yếu là thương, bệnh binh, người có công với cách mạng và cán bộ, công chức được đi điều dưỡng, chữa bệnh theo chế độ của Nhà nước.

Năm 1986, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng bộ thị xã đã lãnh đạo nhân dân trên địa bàn thực hiện chính sách mở cửa, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Lĩnh vực du lịch, nghỉ mát có bước phát triển nhanh chóng. Nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ… Bên cạnh các khách sạn, nhà nghỉ của các cơ quan Trung ương, của tỉnh, đã xuất hiện ngày càng nhiều khách sạn, nhà nghỉ tư nhân; trang, thiết bị phục vụ ăn, nghỉ, sinh hoạt cho khách cũng được đầu tư, nâng cấp.

Tháng 5/1989, thực hiện chủ trương của tỉnh, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển của địa phương, Sầm Sơn tổ chức hội chợ kinh tế - du lịch với chủ đề Hè Sầm Sơn 1989: Sức khỏe - kinh tế - bạn bè với nhiều nội dung, hoạt động sôi nổi, hấp dẫn. Hội chợ đã thực sự trở thành ngày hội, mỗi ngày thu hút hàng vạn du khách đến thăm quan, tắm biển. Cả nước có 34 tỉnh, thành phố về Sầm Sơn tham gia hội chợ. Tại Hội chợ, các ngành, đơn vị kinh tế trong và ngoài tỉnh đã ký kết hàng trăm hợp đồng kinh tế với giá trị nhiều tỷ đồng. Hội chợ kinh tế du lịch Sầm Sơn năm 1989 kết thúc đã để lại những giá trị to lớn về nhiều mặt và ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, du khách. Sau sự kiện này, ngành dịch vụ, du lịch đã bắt đầu có bước phát triển mới và chính thức trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Một dấu ấn đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với quá trình phát triển của thành phố, đó là: Sự kiện 100 năm du lịch Sầm Sơn (1907 - 2007),  ngay từ  những năm đầu thế kỷ 20, nhìn thấy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Sầm Sơn, người Pháp đã lựa chọn Sầm Sơn là địa điểm nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe cho vua, quan triều Nguyễn và quan, quân Pháp. Sự kiện này, đã đưa Sầm Sơn lên vị trí mới trên bản đồ du lịch Việt Nam, cũng như trong khu vực. Tiếp nối thành công, đến năm 2010, tổng giá trị ngành dịch vụ du lịch của Sầm Sơn đạt trên 650 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71,3% tổng GDP của địa phương; là 1 trong 12 đô thị du lịch của cả nước được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ, du lịch, cấp ủy, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tế; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt. Trước hết, trong công tác lãnh đạo, cấp ủy thành phố đã ban hành hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn như: Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 01/9/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về nâng cao chất lượng du lịch đến năm 2015; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 21/11/2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động du lịch đến năm 2020..., đồng thời, tăng cường công tác triển khai, quán triệt, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Trong quản lý, điều hành, hằng năm, UBND thành phố cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện tốt các phương án quản lý dịch vụ, du lịch trên địa bàn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, làm mất hình ảnh du lịch Sầm Sơn; xây dựng và tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch Sầm Sơn…

Trong giai đoạn hiện nay, được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ, sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành thành phố, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Sầm Sơn đã triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô lớn. Nhiều tuyến đường, công trình lớn được tỉnh đầu tư, xây dựng. Hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng cũng được các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, nâng cấp; nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí mới đi vào hoạt động, đặc biệt là khu nghỉ dưỡng quốc tế của Tập đoàn FLC với hệ thống sân Golf và khách sạn 5 sao, làm cho bộ mặt đô thị du lịch ngày càng khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; không gian du lịch thành phố được mở rộng gấp 2 đến 3 lần; chất lượng dịch vụ du lịch có chuyển biến rõ rệt. Sầm Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện; du khách đến với Sầm Sơn đông hơn, đời sống, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên.

Năm 2017, Sầm Sơn kỷ niệm 110 năm du lịch Sầm Sơn (1907 - 2017) và công bố thành lập thành phố Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới cho du lịch Sầm Sơn bứt phá mạnh mẽ, xứng đáng với tầm vóc và tiềm năng sẵn có. Thời điểm này, Sầm Sơn có hơn 415 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số 1.600 phòng đủ tiêu chuẩn đi vào hoạt động. Cùng với quá trình vận hành, đi vào hoạt động của Khu du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn. Thành phố đón được 4,2 triệu lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so với 2007; phục vụ ăn nghỉ 7,5 triệu ngày khách, tăng gấp 3,4 lần so với 2007; doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 9,9 lần so với 2007; đặc biệt, Sầm Sơn đã được Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch công nhận là 01 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.

360d3927c147ae4dIMG_1495 (Copy).jpg

Các đại biểu dâng hoa, báo công tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến nay, Sầm Sơn có 463 cơ sở lưu trú, với gần 19.000 phòng đi vào hoạt động. Trong đó, nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế, như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn; khách sạn 4 sao Dragon Sea, Vạn Chài Resort... Trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố đón được 3,2 triệu lượt khách, bằng 65,5% kế hoạch, tăng 18,7% so với cùng kỳ; phục vụ 6,2 triệu ngày khách, bằng 64,7% kế hoạch, tăng 21,5% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 3.065 tỷ đồng, bằng 63,8% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ.

Cùng với nhiệm vụ quan tâm phát triển kinh tế du lịch, Đảng bộ thành phố cũng luôn quan tâm phát triển các ngành kinh tế khác; quan tâm phát triển văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh tương xứng với phát triển kinh tế.

6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của thành phố ước đạt 17,9%, tăng 0,3% so với cùng kỳ (mục tiêu cả năm là 18%). Tổng giá trị sản xuất ước đạt 6.250 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch năm, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ đạt 4.875 tỷ đồng (du lịch đạt 3.065 tỷ đồng), nông - lâm - thuỷ sản đạt 539 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng đạt 837 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn ước đạt 1.932 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch, tăng 9,8% so cùng kỳ.

Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chất lượng giáo dục, cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Văn hóa, văn minh đô thị du lịch ngày càng chuyển biến tích cực.

Các chính sách an sinh xã hội luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi, tặng quà thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Công tác giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả.

Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, xây dựng cơ sở an toàn vững mạnh toàn diện, Sầm Sơn đang là điểm hẹn, điểm đến lí tưởng, hấp dẫn, thân thiện của bạn bè, du khách.

Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch hấp dẫn, thân thiện, xứng đáng là một trong 4 vùng  kinh tế động lực của tỉnh, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa, Sầm Sơn đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn nhằm tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đô thị du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, theo hướng xây dựng đô thị du lịch thông minh, đặc biệt là dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn. Đây là khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí với loại hình resort nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, giải trí thể thao biển, công viên chuyên đề, là dự án nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ bộ mặt đô thị, tạo điểm nhấn cho đô thị du lịch Sầm Sơn; tăng sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, khắc phục tính mùa vụ của du lịch Sầm Sơn.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, tập trung chấn chỉnh những lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém; nâng cao chất lượng, quy mô các sự kiện văn hóa, lễ hội nhằm thu hút du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch; chăm lo đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng chất lượng, chuyên nghiệp, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn đẹp trong lòng du khách và bạn bè. Đồng thời, đẩy mạnh công tác trao đổi, phối hợp với các ngành, địa phương trong liên kết, trao đổi kinh nghiệm phát triển, xây dựng ngành du lịch bền vững…

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên và nhân dân Sầm Sơn luôn cố gắng học tập, lao động và rèn luyện theo tấm gương của Người. Trong những năm gần đây, Đảng bộ thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện « tự diễn biến », « tự chuyển hóa » trong nội bộ. Vai trò nêu gương và trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên; nhiều hạn chế, thiếu sót được chỉ ra và khắc phục; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực được phát hiện và nhân rộng… góp phần, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như lời căn dặn của Bác khi về thăm Sầm Sơn, trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân thành phố sẽ tiếp tục đoàn kết, thực hành dân chủ rộng rãi, nỗ lực phấn đấu, phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, tìm ra những hướng đi mới, cách làm hay, xây dựng thành phố Sầm Sơn trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn, thân thiện, góp phần cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh xây dựng « Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu »./.

                                   
                                           Vũ Thị Thủy

                Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo,
                        Giám đốc Trung tâm chính trị thành phố

Số lượt truy cập
1 người đang online